Luật Đo lường đã quy định quản lý chuẩn đo lường ở nước ta như thế nào?

Cập nhật: 12/1/2016 | 11:13:22 AM  

Điều (Đ.) 10 Luật Đo lường (LĐL) đã quy định hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo gồm chuẩn đo lường quốc gia, chuẩn đo lường chính và chuẩn đo lường công tác

I. Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo

Điều (Đ.) 10 Luật Đo lường (LĐL) đã quy định hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo gồm chuẩn đo lường quốc gia, chuẩn đo lường chính và chuẩn đo lường công tác : 

1. Chuẩn đo lường quốc gia (chuẩn quốc gia) : là chuẩn đo lường cao nhất của quốc gia được dùng để xác định giá trị đo của các chuẩn đo lường còn lại của lĩnh vực đo.

2. Chuẩn đo lường chính (chuẩn chính) : là chuẩn đo lường được dùng để hiệu chuẩn, xác định giá trị đo của các chuẩn đo lường khác ở địa phương, tổ chức.

3. Chuẩn đo lường công tác (chuẩn công tác) : là chuẩn đo lường được dùng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.

II. Yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường

Đ.11 LĐL quy định các yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường. Theo đó  yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường là :

1. Yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản của chuẩn đo lường phải được thể hiện trên chuẩn đo lường hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo.

2. Đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.

III. Chuẩn đo lường quốc gia

1. Yêu cầu đối với chuẩn đo lường quốc gia

Đ.12 LĐL quy định các yêu cầu đối với chuẩn đo lường quốc gia. Theo đó, yêu cầu đối với chuẩn đo lường quốc gia là :

a) Chuẩn đo lường quốc gia phải đáp ứng yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường.

b) Chuẩn quốc gia phải được thiết lập theo quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia.

c) Chuẩn quốc gia phải được phê duyệt; duy trì, bảo quản, sử dụng tại tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia.

d) Chuẩn quốc gia phải được định kỳ hiệu chuẩn hoặc so sánh với chuẩn quốc tế hoặc với chuẩn quốc gia của nước ngoài đã được hiệu chuẩn hoặc đã được so sánh với chuẩn quốc tế. Việc hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn quốc gia do tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia thực hiện.

e) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia.

g) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chuẩn quốc gia, chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia; quy định chi tiết việc phê duyệt, duy trì, bảo quản, sử dụng, hiệu chuẩn chuẩn quốc gia.

Từ các yêu cầu trên, ta thấy cơ chế quản lý hệ thống chuẩn đo lường quốc gia theo quy định của LĐL mới có các điểm đáng chú ý sau :

+ Có tổ chức được chỉ định để giữ chuẩn quốc gia.

+ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia.

+ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chuẩn quốc gia, chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia.

2. Tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia

Đ.13 LĐL đã quy định điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia. Theo đó tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân.

b) Có đủ nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện các hoạt động sau đây :

+ Giữ, duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia theo quy định;

+ Định kỳ hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn quốc gia với chuẩn quốc tế;

+ Hiệu chuẩn hoặc so sánh để truyền độ chính xác của chuẩn quốc gia tới chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn;

+ Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về chuẩn đo lường; xây dựng phương pháp duy trì, bảo quản chuẩn quốc gia; xây dựng phương pháp đo để truyền độ chính xác của chuẩn quốc gia tới chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn.

c) Thiết lập sơ đồ hiệu chuẩn và trình tự, thủ tục hiệu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

d) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý để thực hiện các hoạt động quy định tại điểm b) nêu trên.

e) Được chỉ định giữ chuẩn quốc gia.

IV. Chuẩn đo lường chính, chuẩn đo lường công tác

Đ.14 LĐL đã quy định yêu cầu đối với chuẩn chính, chuẩn công tác. Theo đó chuẩn chính, chuẩn công tác phải đáp ứng các yêu cầu sau đây :

1. Đáp ứng các yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường.

2. Chuẩn chính, chuẩn công tác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương hoặc tổ chức tự thiết lập.

3. Việc duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương hoặc của người đứng đầu tổ chức giữ chuẩn đo lường này.

4. Đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn chính, chuẩn công tác phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được công bố thông qua việc định kỳ hiệu chuẩn hoặc so sánh với chuẩn quốc gia hoặc với chuẩn đo lường có độ chính xác cao hơn đã được hiệu chuẩn.

5. Việc hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn chính, chuẩn công tác phải được thực hiện tại tổ chức hiệu chuẩn đáp ứng các điều kiện LĐL quy định cho tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

6. Chuẩn công tác dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo phải được hiệu chuẩn tại tổ chức hiệu chuẩn được chỉ định và phải được chứng nhận phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.

V. Chất chuẩn

1. Chất chuẩn là gì ?

Mục 4 Đ.3 LĐL đã giải thích khái niệm chuẩn đo lường và chất chuẩn như sau :

Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

Chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác.

2. Yêu cầu đối với chất chuẩn

Đ.15 LĐL đã quy định yêu cầu đối với chất chuẩn. Theo đó chất chuẩn phải đáp ứng các yêu cầu sau đây :

1. Chất chuẩn phải bảo đảm tuân thủ yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường; yêu cầu đối với chuẩn đo lường quốc gia; yêu cầu đối với chuẩn chính, chuẩn công tác quy định tại LĐL và các yêu cầu sau đây :

a) Bảo đảm độ đồng nhất, độ ổn định và giá trị thuộc tính của chất chuẩn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được công bố hoặc quy định;

b) Phải được xác nhận giá trị thuộc tính của chất chuẩn cùng với độ không đảm bảo đo của giá trị thuộc tính này;

c) Việc xác nhận giá trị thuộc tính của chất chuẩn được thực hiện thông qua thử nghiệm hoặc so sánh tại tổ chức thử nghiệm.

2. Chất chuẩn dùng trực tiếp để kiểm định bắt buộc phương tiện đo phải được chứng nhận theo quy định của LĐL./.

(Nguồn tin: BBT Bản tin)

Tìm kiếm

Hỏi đáp

Hỏi: Hỏi đáp về SI sửa đổi
Đáp: Trình bày các vấn đề về SI sửa đổi dưới dạng các câu hỏi và trả lời  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phương tiện đo ở nước ta như thế nào?
Đáp: Điều (Đ.) 16 Luật Đo lường (LĐL) quy định các loại phương tiện đo. Theo đó ta có phương tiện đo nhóm...  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn ở nước ta như thế nào?
Đáp: Đ. 31 LĐL quy định phân hàng đóng gói sẵn thành hàng đóng gói sẵn nhóm 1, hàng đóng gói sẵn nhóm 2  (Xem thêm)

Liên kết website

Cổng thông tin điện tử Bộ KHCN & Môi trường
VUSTA
STAMEQ
VMI