GIỚI THIỆU TÀI LIỆU ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐO LƯỜNG CỦA VIỆN ĐO LƯỜNG VIỆT NAM

Cập nhật: 6/5/2024 | 5:16:20 PM  

Thông tin tóm tắt về nội dung và tầm quan trọng của tài liệu Đánh giá năng lực đo lường của Viện đo lường Việt Nam.

 

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐO LƯỜNG

 

Đánh giá năng lực đo lường là một phần của hoạt động đo lường với mục đích chuẩn hóa các các phòng thí nghiệm đo lường.

Với chủ trương xã hội hóa hiện nay về hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đã xuất hiện rất nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Các phòng thí nghiệm đo lường gồm tổ chức thuộc sở hữu Nhà nước và Tư nhân. Vấn đề tồn tại hiện nay của rất nhiều phòng thí nghiệm đo lường đó là tính khoa học của phương pháp đo, tính liên kết chuẩn và nguồn nhân lực thực hiện chưa được chuẩn hóa. Sự tồn tại này tạo ra nhiều kết quả đo không chính xác hoặc có sự sai khác kết quả đo giữa các phòng thí nghiệm.

Để góp phần giải quyết vấn đề tồn tại trên và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Tiêu chuẩn TCVN 13187: 2020 “Phòng thí nghiệm đo lường – Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường” đã được ban hành. Tài liệu “Đánh giá năng lực đo lường” xây dựng với mục đích là tài liệu đào tạo chuyên gia đánh giá năng lực đo lường đối với các phòng thí nghiệm đo lường trên cả nước dựa trên các tiêu chí đánh giá trong Tiêu chuẩn TCVN 13187: 2020. Đây cũng là tài liệu các phòng thí nghiệm đo lường có thể dựa vào để tự đánh giá nhằm từng bước nâng cao năng lực của mình hoặc để khẳng định phòng thí nghiệm có đủ điều kiện để đảm bảo hoạt động cũng như đảm bảo độ chính xác khi thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm các phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Đây cũng là cơ sở để các phòng thí nghiệm đo lường chuẩn bị điều kiện hoạt động để đăng ký công nhận là tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018.

Nội dung chính của Tài liệu “Đánh giá năng lực đo lường” như sau:

CHƯƠNG I: Các khái niệm cơ bản - Tổng quan về hoạt động đánh giá

Trong chương này trình bày về các nội dung sau:

* Một số khái niệm cơ bản về đánh giá

Mục này giải thích một số khái niệm cơ bản liên quan đến việc đánh giá như: Đánh giá (audit), Chuẩn mực đánh giá (audit criteria), Bằng chứng đánh giá 2 (audit evidence), Phát hiện khi đánh giá (audit findings), Kết luận đánh giá (audit conclusion), Khách hàng đánh giá (audit client), Bên được đánh giá (auditee), Chuyên gia đánh giá (auditor), Đoàn đánh giá (audit team), Chuyên gia kỹ thuật (technical expert), Chương trình đánh giá (audit programme), Kế hoạch đánh giá (audit plan), Phạm vi đánh giá (audit scope), Năng lực (competence).

* Các nguyên tắc và phương pháp đánh giá

- Các nguyên tắc đánh giá

Việc đánh giá được đặc trưng bởi sự tin cậy trên cơ sở một số nguyên tắc. Những nguyên tắc này cần giúp cuộc đánh giá trở thành một công cụ hiệu lực và tin cậy trong việc hỗ trợ cho các chính sách và kiểm soát của lãnh đạo, thông qua việc cung cấp thông tin theo đó tổ chức có thể hành động để cải tiến kết quả thực hiện của mình. Việc tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc này là tiền đề cho việc đưa ra các kết luận đánh giá thích hợp và đầy đủ, cho phép các chuyên gia đánh giá làm việc độc lập với nhau mà vẫn đạt được những kết luận như nhau trong những tình huống đánh giá giống nhau.

- Phương pháp đánh giá

Một cuộc đánh giá có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một loạt các phương pháp đánh giá. Các phương pháp đánh giá được lựa chọn cho một cuộc đánh giá phụ thuộc vào các mục tiêu, phạm vi và chuẩn mực đánh giá đã được xác định, cũng như thời lượng và địa điểm. Việc áp dụng đa dạng và kết hợp các phương pháp đánh giá khác nhau có thể tối ưu hiệu lực và hiệu quả của quá trình đánh giá và kết quả của quá trình này.

+ Trình tự đánh giá

Hoạt động đánh giá đối với các phòng thí nghiệm đo lường có thể được khái quát như sau :

Bắt đầu triển khai cuộc đánh giá (Xác định mục tiêu, phạm vi và chuẩn mực đánh giá; Tiếp xúc ban đầu với bên được đánh giá nếu cần thiết)  Tiến hành xem xét tài liệu (Xem xét các tài liệu của hệ thống quản lý và năng lực kỹ thuật liên quan, bao gồm các hồ sơ, và xác định sự đầy đủ của chúng so với những chuẩn mực đánh giá) ⇒ Chuẩn bị cho các hoạt động đánh giá (Chuẩn bị kế hoạch đánh giá; Phân công trong đoàn đánh giá; Chuẩn bị các tài liệu làm việc)  Tiến hành các hoạt động đánh giá (Tiến hành cuộc họp khai mạc; Thông tin trong quá trình đánh giá; Vai trò và trách nhiệm của người hướng dẫn và người quan sát; Thu thập và kiểm tra xác nhận thông tin; Tạo lập các phát hiện khi đánh giá;  Chuẩn bị kết luận đánh giá)  Chuẩn bị và hoàn thành báo cáo đánh giá (Chuẩn bị báo cáo đánh giá; Hoàn thành báo cáo đánh giá)   Kết thúc cuộc đánh giá  Tiến hành cuộc đánh giá bổ sung/đánh giá lại (nếu cần thiết)

+ Yêu cầu về năng lực của chuyên gia đánh giá

Một chuyên gia đánh giá nói chung cần có những phẩm chất cá nhân để giúp họ hành động theo các nguyên tắc đánh giá như yêu cầu về phẩm chất cá nhân, Yêu cầu về kiến thức và kinh nghiệm công tác và cần duy trì và nâng cao năng lực.

CHƯƠNG II: Tiêu chí đánh giá đối với chuyên gia đánh giá và PTN đo lường  theo TCVN 13187 : 2020

Chương này trình bày về các tiêu chí đối với chuyên gia đánh giá và các tiêu chí đối với PTN đo lường theo TCVN 13187: 2020.

- Đối với Chuyên gia đánh giá (Chuyên gia đánh giá tiêu chí chung, Chuyên gia đánh giá tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đo lường) cần đáp ứng tối thiểu các tiêu chí như đã nêu trong TCVN 13187: 2020 mục 5.1 và mục 5.2.

- Đối với PTN đo lường (Tiêu chí chung, Tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đo lường) cần đáp ứng tối thiểu các tiêu chí như đã nêu trong TCVN 13187: 2020 mục 6.1 và mục 6.2.

CHƯƠNG III: Hướng dẫn đánh giá năng lực đo lường theo TCVN 13187:2020

Chương này trình bày về cách thức tổ chức hoạt động đánh giá như thế nào, việc tiến hành đánh giá ra sao.

- Đối với tổ chức hoạt động đánh giá: Cần nắm vững các bước tổ chức hoạt động đánh giá cũng như tiến trình đánh giá.

- Đối với việc “Tiến hành đánh giá”:

+ Đánh giá tiêu chí chung của một phòng thí nghiệm đo lường cần quan tâm đó là về tư cách pháp nhân và về hệ thống quản lý PTN.

Mỗi tiêu chí cần đánh giá chuẩn bị các bước: Phương pháp đánh giá và Tiến hành đánh giá. Đánh giá tư cách pháp nhân cần xem xét hồ sơ, tài liệu về: Đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập, Quyết định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức, cơ sở, Đăng ký hoạt động khoa học công nghệ theo quy định, Đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo quy định, Đăng ký chỉ định theo quy định, ...

Đánh giá hệ thống quản lý PTN cần đảm bảo các nội dung sau: Kiểm soát tài liệu ; Xem xét hợp đồng ; Hợp đồng phụ ; Mua sắm trang thiết bị, vật tư ; Giải quyết khiếu;nại ; Xử lý công việc không phù hợp ; Đảm bảo sức khỏe và an toàn ; Kiểm soát hồ sơ ; Đánh giá chất lượng nội bộ ;  Xem xét của lãnh đạo ; Đào tạo ; Kiểm soát môi trường ; Lựa chọn và thực hiện phương pháp kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm ; Ước tính độ không đảm bảo đo ; Quản lý thiết bị ; Quản lý vật tư, hóa chất và chất chuẩn ; Quản lý mẫu thử nghiệm ; Đảm bảo chất lượng kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm ; Bảo mật kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

Sau khi đoàn đánh giá đánh giá xong các tiêu chí chung theo TCVN 13187: 2020 mục 6.1, Trưởng đoàn đánh giá cần lập biên bản đánh giá theo tiêu chí chung để tổng hợp các nội dung đã đánh giá của từng tiêu chí.

+ Đánh giá tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đo lường của một phòng thí nghiệm đo lường cần quan tâm đó là:

- Về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc

- Về nhân lực PTN

- Về chuẩn đo lường và các phương tiện sử dụng

- Về quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

- Về so sánh liên phòng, thử nghiệm thành thạo.

Mỗi một tiêu chí đánh cần thực hiện các bước như sau:

- Xác định chuẩn mực đánh giá

- Tiến hành đánh giá:

(1) Phương pháp đánh giá

(2) Xác định sự phù hợp của đối tượng đánh giá với chuẩn mực đánh giá (xem xét hồ sơ, tài liệu, quan sát thực tế)

(3) Lập phiếu đánh giá

Sau khi đoàn đánh giá đánh giá xong các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đo lường theo TCVN 13187: 2020 mục 6.2, Trưởng đoàn đánh giá cần lập biên bản đánh giá theo tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đo lường để tổng hợp các nội dung đã đánh giá của từng tiêu chí.

- Đối với việc tổng hợp kết quả đánh giá Sau khi tiến hành đánh giá PTN đo lường, đoàn đánh giá cần tổng hợp kết quả đánh giá từ các nội dung đã đánh giá và đưa ra kết luận của Đoàn đánh giá.

Ngoài các nội dung chính trên, tài liệu còn có 2 Phụ lục là các biểu mẫu và một số ví dụ giúp cho độc giả dễ dàng tiếp cận tài liệu hơn, đó là:

PHỤ LỤC A: Các biểu mẫu, phiếu đánh giá, bảng tổng hợp kết quả đánh giá năng lực đo lường của phòng thí nghiệm đo lường

PHỤ LỤC B: Một số ví dụ xác định chuẩn mực đánh giá khi đánh giá tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đo lường.

Hà Nội, tháng 3/2024

Viện Đo lường Việt Nam Cao Xuân Quân, Trần Thị Tố Nga và cộng sự

(Lưu ý: Nếu Quý độc giả quan tâm bản đầy đủ tài liệu kỹ thuật đo xin liên hệ theo số điện thoại 0914196886)

(Nguồn tin: Ban BT)

Tìm kiếm

Hỏi đáp

Hỏi: Hỏi đáp về SI sửa đổi
Đáp: Trình bày các vấn đề về SI sửa đổi dưới dạng các câu hỏi và trả lời  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phương tiện đo ở nước ta như thế nào?
Đáp: Điều (Đ.) 16 Luật Đo lường (LĐL) quy định các loại phương tiện đo. Theo đó ta có phương tiện đo nhóm...  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn ở nước ta như thế nào?
Đáp: Đ. 31 LĐL quy định phân hàng đóng gói sẵn thành hàng đóng gói sẵn nhóm 1, hàng đóng gói sẵn nhóm 2  (Xem thêm)

Liên kết website

Cổng thông tin điện tử Bộ KHCN & Môi trường
VUSTA
STAMEQ
VMI