Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia ở Việt Nam Tác giả : Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ - QL Khoa học - Viện ĐLVN

Cập nhật: 17/5/2016 | 12:11:32 PM  

Giới thiệu hệ thống chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam

HỆ THỐNG

CHUẨN ĐO LƯỜNG QUỐC GIA Ở VIỆT NAM

 

Chuẩn đo lường quốc gia là chuẩn có độ chính xác cao nhất của quốc gia  và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Chúng đã làm cơ sở ấn định giá trị cho các cho các chuẩn đo lường khác liên quan trong mỗi quốc gia. Chuẩn Đo lường quốc gia giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thống nhất, tính đúng đắn và độ chính xác của các phép đo. Hệ thống chuẩn đo lường bao gồm hệ thống chuẩn đo lường quốc gia và các chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn. Hệ thống chuẩn đo lường  là cơ sở kỹ thuật hạ tầng để phát triển các ngành khoa học, các ngành kinh tế, đảm bảo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện hội nhập quốc tế. Do vậy việc xây dựng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội của bất cứ quốc gia nào.

Do vai trò và vị trí quan trọng của hệ thống chuẩn đo lường quốc gia trong phát tiển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế,  Nhà nước ta đã luôn chú trọng công tác phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia trong từng giai đoạn:

a) Thực hiện Pháp lệnh Đo lường ban hành năm 1999; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn 2004 - 2010” tại quyết định số 165/2004/QĐ-TTg ngày 21/9/2004. Các chuẩn đo lường trong quy hoạch chủ yếu thuộc Viện Đo lường Việt Nam.Thực hiện Quy hoạch này, Viện Đo lường Việt Nam (VMI) đã xây dựng và phát triển chuẩn đo lường quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 13 chuẩn quốc gia (trong 02 Quyết định số 14/2006/QĐ-TTg ngày 17/01/2006 và Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 22/7/2011), bao gồm:

 + 04 đại lượng cơ bản : Độ dài, Khối lượng, Thời gian – Tần số, Nhiệt độ nhiệt động học.

 + 09 đại lượng dẫn xuất : Áp suất, Độ cứng, Dung tích, Lưu tốc thể tích chất lỏng, Công suất điện tần số công nghiệp, Năng lượng điện tần số công nghiệp, Lưu lượng thể tích chất khí, Điện trở một chiều và Điện áp một chiều).

b)  Năm 2011, Luật Đo lường đươc ban hành, trong Luật đã quy định cụ thể: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chuẩn đo lường quốc gia và chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia”. Triển khai thực hiện Luật Đo lường, Viện Đo lường Việt Nam đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020”, trong Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013, với mục tiêu cuả Quy hoạch là đầu tư, xây dựng hệ thống chuẩn đo lường đảm bảo yêu cầu công nghệ chuẩn tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện duy trì, bảo quản, sử dụng tại Việt Nam và đạt trình độ chuẩn tương đương với trình độ chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Thực hiện Quy hoạch, Viện Đo lường Việt Nam đã được đầu tư và xây dựng phát triển chuẩn đo lường theo quy hoạch; Đến đầu năm 2016,  Bộ trưởng Bộ KHCN đã phê duyệt công nhận chuẩn đo lường quốc gia mới của Viện Đo lường Việt Nam trong Quyết định số 594/QĐ-BKHCN ngày 25/3/2016, gồm 11 chuẩn đo lường:

+ 02 đại lượng cơ bản: Cường độ dòng điện, Cường độ sáng;

+ 07 đại lượng dẫn xuất: Lưu lượng thể tích chất lỏng, Lưu lượng khối lượng chất lỏng, lực, Khối lượng riêng chất lỏng, Độ nhớt động lực học, Điện áp xoay chiều, Suy giảm tần số cao;

+ Phát triển, mở rộng, nâng cao chuẩn đo lường đã được công nhận chuẩn đo lường quốc gia cho hai (02) đại lượng: Áp suất, Dung tích.

Như vậy, đến nay Viện Đo lường Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 22 chuẩn đo lường quốc gia cho 6 đại lượng cơ bản và 16 đại lượng dẫn xuất. Các chuẩn đo lường quốc gia cũng đã góp phần nâng cao năng lực đo lường của Việt Nam, hỗ trợ tốt cho nghiên cứu khoa học cũng như quản lý nhà nước về đo lường, thống nhất đo lường trong cả nước thông qua đảm bảo liên kết chuẩn.Bằng việc tham gia thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đo lường trên toàn cầu (CIPM-MRA), đến nay Viện Đo lường Việt Nam đã được quốc tế công nhận 31 CMCs­­­­ thuộc các lĩnh vực: Độ dài, Khối lượng, Nhiệt, Thời gian – Tần số, Áp suất, Dung tích lưu lượng. Đây là cơ sở kỹ thuật rất quan trọng để kết quả các phép đo, thử nghiệm của các phòng đo lường, thử nghiệm/hiệu chuản trong cả nước được liên kết chuẩn với chuẩn đo lường quốc gia được xem xét chấp nhận toàn cầu.

Thời gian tới đây, từ nay đến năm 2020 Viện Đo lường Việt nam sẽ tiếp tục được đầu tư, xây dựng và phát triển 23chuẩn đo lường để trình Bộ Khoa học và Công nghệ  công nhận chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2020 nước ta sẽ có 45 chuẩn đo lường quốc gia đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và đảm bảo tính thống nhất, chính xác trên cả nước về đo lường, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về đo lường.

 

 

(Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn VMI)

Tìm kiếm

Hỏi đáp

Hỏi: Hỏi đáp về SI sửa đổi
Đáp: Trình bày các vấn đề về SI sửa đổi dưới dạng các câu hỏi và trả lời  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phương tiện đo ở nước ta như thế nào?
Đáp: Điều (Đ.) 16 Luật Đo lường (LĐL) quy định các loại phương tiện đo. Theo đó ta có phương tiện đo nhóm...  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn ở nước ta như thế nào?
Đáp: Đ. 31 LĐL quy định phân hàng đóng gói sẵn thành hàng đóng gói sẵn nhóm 1, hàng đóng gói sẵn nhóm 2  (Xem thêm)

Liên kết website

Cổng thông tin điện tử Bộ KHCN & Môi trường
VUSTA
STAMEQ
VMI